Cả nước có hơn 380 điểm du lịch nông thôn được công nhận
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương (về sản phẩm nông nghiệp, cảnh quan, văn hoá lịch sử, ẩm thực…). Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trong thời gian qua phát triển khá đa dạng, một số mô hình thành công đã minh chứng được sự phù hợp và tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Với mục tiêu phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố đến năm 2025 có ít nhất một điểm du lịch nông thôn tiêu biểu được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương, thì theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, hiện cả nước có khoảng hơn 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, tập trung nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, đã có 382 điểm du lịch ở khu vực nông thôn được UBND cấp tỉnh công nhận, trong đó có 11,3% các điểm du lịch nông nghiệp, làng nghề; 21,2% điểm du lịch cộng đồng; 21,7% điểm du lịch sinh thái, còn lại là di tích lịch sử, thăm quan, lưu trú và thương mại dịch vụ.

Các địa phương đã xác định khá rõ các tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã thành công và có sự lan tỏa, góp phần hình thành các điểm đến ở các địa phương như: Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng (Hà Giang); Điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải (Yên Bái); Du lịch văn hóa dân tộc tày bản làng Thái Hải (Thái Nguyên); Dịch vụ Homestay Bản Lác (Hòa Bình); Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận); Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (Kon Tum); Hội quán cùng nhau làm du lịch gắn với hoa Sa Đéc (Đồng Tháp); Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (Bạc Liêu),…
Bà Nguyễn Thị Lan Anh Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình chia sẻ, địa phương rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái đa giá trị, đặc biệt là du lịch nông thôn. Một ví dụ được đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình dẫn ra là cánh đồng Tam Cốc của Ninh Bình hơn 20ha, nếu thu nhập từ lúa chỉ hơn 1 tỷ đồng/vụ, nhưng khi thành sản phẩm du lịch, như “Tuần lễ Sắc vàng Tam Cốc” năm ngoái, ngay ngày đầu tiên khai mạc đã thu hút 3.000 khách du lịch với doanh thu gần 7 tỷ đồng, gấp 7 lần so với thu hoạch của cả một vụ từ cánh đồng hơn 20ha
Vẫn chưa khai thác hết tiềm năng…
Mặc dù số lượng các điểm du lịch nông thôn vượt xa mục tiêu đặt ra song theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối cho biết, công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn còn thiếu trọng tâm, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương; Nhiều mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ và trùng lặp, chưa khai thác được thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tài nguyên nông nghiệp của địa phương; Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đặc sắc, chưa gắn với đặc thù và sản phẩm đặc sản của từng địa phương, còn mang tính tự phát và mùa vụ; hoạt động kết nối, liên kết điểm, tuyến du lịch còn hạn chế, đặc biệt là sự kết nối liên tỉnh, liên vùng,…
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cũng chỉ ra rằng hiện nhiều địa phương chỉ cung cấp dịch vụ trải nghiệm và tham quan trong ngày với tính chất đơn giản, chưa có nhiều sản phẩm liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp – du lịch có giá trị gia tăng cao và đặc trưng để xây dựng thương hiệu.
Cùng với đó, việc thiếu các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và trải nghiệm chất lượng cao hay vẫn còn những vướng mắc liên quan đến sử dụng đất cũng đang là vấn đề cần tập trung tháo gỡ.
Chia sẻ về một trong những điểm yếu trong phát triển du lịch nông thôn hiện nay, TS. Hoàng Trọng Thủy, Chuyên gia nông nghiệp cho rằng sự thiếu liên kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp – du lịch đang có vấn đề khi sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và du lịch nông nghiệp chưa được xem là “anh em sinh đôi”.

Theo chuyên gia, người ta mua sản phẩm OCOP không chỉ là sản phẩm đơn thuần mà là câu chuyện trong đó, gắn với lịch sử, con người, địa danh…, cũng như du khách đến một vùng quê nào đó cũng muốn có sản phẩm gắn với địa danh đó mang về.
Thực tế với gần 15,6 nghìn sản phẩm OCOP có mặt tại 63 tỉnh thành và hơn 380 điểm du lịch được công nhận, tính trung bình mỗi điểm có ít nhất 15 sản phẩm OCOP, nhưng thực tế sự “gặp nhau” này là rất hiếm khi nơi có sản phẩm OCOP thì chưa phát triển được du lịch hoặc chưa kết nối chuỗi được hoặc người lại…
Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan là người luôn đau đáu về “bán” câu chuyện trong sản phẩm. Trong một chia sẻ mới đây, ông cho biết nghe tiếng giò chả Ước Lễ từ lâu và ông đã có một chuyến trải nghiệm làng nghề này và “ước” giá như có một bản quy hoạch treo ở đầu làng thì sẽ huy động được trí tuệ, nguồn lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới, tạo không gian cho phát triển dịch vụ – du lịch.
Kể câu chuyện nông thôn Côn Minh (Trung Quốc) trước đây khai thác đồng, sau khi chính quyền đóng mỏ chuyển sang nấu rượu và đến nay rượu làng nghề cung cấp cho cả nước. Cùng với nghề nấu rượu kéo theo nông nghiệp trồng lúa nếp, du lịch cũng phát triển theo.
Mình có rượu làng Vân, rượu Bàu Đá… cũng rất nổi tiếng nhưng chưa biến thành nền kinh tế làng nghề, chưa gắn với phát triển du lịch. Sắp tới cần tư duy chứ không phải làm nông thôn mới là phải đường, trường, trạm…”, Bộ trưởng gợi ý.
Một ví dụ được ông nhắc tới là nông thôn mới vùng Phá Tam Giang. Để phát triển du lịch thì phải kể được câu chuyện về vùng đất này. “Có thể người dân ở đó họ coi là bình thường nhưng “bụt nhà không thiêng”, mình phải đẩy được câu chuyện đó lên thì mới thu hút được du lịch…”, Bộ trưởng gợi ý.
Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại 20 tỉnh, tập trung vào định hướng xây dựng được mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn.
Kết quả báo cáo của các địa phương, đã có 15/20 tỉnh (Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Đăk Nông, Trà Vinh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau) đã phê duyệt Kế hoạch và bố trí ngân sách để triển khai mô hình; 4/20 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Kon Tum, Nghệ An ) đang thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; 1 tỉnh dừng thực hiện (Thanh Hóa).