Đề xuất xem xét việc đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh hiện tại

Có cần thiết không?

Ngày 7/3, Hiệp hội các Nhà đầu tư nước ngoài (VAFI) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi).

hoi-thao-gop-y-luat-thue-ttdb.jpg

Thông tin tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội đang có 2 luồng ý kiến: Thứ nhất, không có ý kiến gì (đồng tình): Thứ hai, băn khoăn (DN cần có thời gian để điều chỉnh; Việc đánh thuế có đạt được mục tiêu đặt ra không; Cần đánh giá tác động đến sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người nghèo, người có thu nhập thấp; Nước giải khát có phải là nguyên nhân gây béo phì…).

Theo ông Phan Đức Hiếu, trước hết cần phải đặt vấn đề có cần thiết phải sửa luật Thuế TTĐB trong bối cảnh hiện nay hay không khi mà bối cảnh năm nay khác năm ngoái.

Cái “khác” được Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đưa ra là mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trong năm nay tạo cơ sở cho tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo và mục tiêu giảm 30% chi phí kinh doanh…

Theo GS.TS KH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFI, không phải đặt vấn đề về sự cần thiết của việc sửa luật thuế TTĐB mà đặt vấn đề về việc có nên đánh thuế TTĐB đối với rượu bia, người giải khát có đường (NGKCĐ) hay không?

Chủ tịch VAFI cho rằng, cần thiết sửa luật để đánh thuế đối với thuốc lá, xì gà (cần cân nhắc tỷ lệ tối đa 80%) hay diều hòa nhiệt độ (loại cũ, không bảo vệ môi trường…). Tuy nhiên đối với mặt hàng rượu, bia, NGKCĐ cần cân nhắc…

Đừng chỉ nhìn vào con số…

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế DN lớn, Tổng cục Thuế nhận xét, dự thảo 5 Luật thuế TTĐB đã “sáng” hơn rất nhiều. Nhiều ý kiến xác đáng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo Luật để nội dung quy định tại các điều luật được rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các Luật chuyên ngành..

Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến nhất hiện nay là đánh thuế đối với rượu, bia, NGKCĐ. Chuyên gia thuế này cho rằng cần phải thẳng thắn về mục tiêu đánh thuế: “Mục tiêu đầu tiên là thu ngân sách nhà nước (NSNN), sau đó mới là điều chính hành vi tiêu dùng, sau để mới đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe…”, ông Phụng quả quyết.

Đối với đề xuất bổ sung mặt hàng NGKCĐ theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường từ 5 gram/100ml vào đối tượng chịu thuế, ông Phụng cho rằng đang có bất cập bởi thực tế nước dừa, nước mía…, hay sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng có hàm lượng đường trên 5g/100ml sẽ không chịu thuể (!?)

Về tác động của việc đánh thuế TTĐB đối với NGKCĐ, dẫn kết quả nguyên cứu của CIEM, ông Phụng cho biết, việc áp thuế TTĐB đối với NGKCĐ không chỉ ảnh hưởng đến các DN trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần, từ đó có sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo. Cụ thể là, với giả định áp thuế TTĐB 10% đối với NGKCĐ sẽ dẫn tới thiệt hại đối với giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế là khoảng 55.519 tỷ đồng, tương đương với mức sụt giảm 0,164%; tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương với sụt giảm về GDP khoảng 0,448%.

Chuyên gia thuế cho rằng, cần tính đến tác động của việc áp thuế TTĐB đối với nhà sản xuất trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Việc áp thuế TTĐB đối với NGKCĐ sẽ tác động ngay đến các DN sản xuất mặt hàng này, đối với nhiều loại thuế, khoản thu.

Qua xem xét tài liệu hồ sơ Dự án Luật thuế TTĐB, ông Phụng cho biết, chưa có các thông tin sau, đó là: DN sản xuất NGKCĐ thuộc diện chịu thuế TTĐB sẽ không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN; Các ưu đãi khác cũng sẽ được loại bỏ như: giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, các DN sản xuất đồ uống ngoài việc nộp các loại thuế theo quy định hiện hành sẽ phải chịu thêm các loại phí mới như phí tái chế, xử lý chất thải theo Luật bảo vệ môi trường (áp dụng từ ngày 01/01/2024), các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải đang chuẩn bị bổ sung, việc điều chỉnh tăng giá thuê đất theo thực tiễn các địa phương.

“Đừng nhìn vào các con số. Không phải 1+1+ 2 mà 1+1=3. Nếu áp dụng ngay mức thuế suất dự kiến 10% từ khi Luật có hiệu lực (2026) thì gánh nặng về thuế, phí, chi phí và sức ép đẩy tăng giá bán, giảm hiệu quả kinh doanh đối với các DN sản xuất NGKCĐ sẽ là rất lớn…”, ông Phụng quả quyết.

ht-thue-ttdb.jpg

Cân nhắc động lực tăng trường

Chia sẻ về bối cảnh “khác” mà Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu đề cập tới, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế DN lớn Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh, các loại chi phí này đang làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho DN trong bối cảnh chung sức cùng Chính phủ tìm mọi biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng, góp phần đưa GDP cả nước năm nay tăng trưởng trên 8%, các năm sau tăng trưởng đạt mức 2 con số …

Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, làm tiền đề để tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng đầy tham vọng đó, cùng với các giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp, cơ cấu lại bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, hướng tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh thì vấn đề quan trọng nhất là cần có cách tiếp cận khoa học, thực tiễn trong việc xây dưng hệ thống thuế bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích nhà nước với lợi ích DN.

Do đó Chủ tịch VAFI đề nghị cần có lộ trình tăng thuế. “Việc tăng Thuế TTĐB thời điểm hiện tại đối với một số mặt hàng sẽ tăng thêm gánh nặng cho DN, buộc DN phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu NSNN cũng như cân đối ngân sách của các địa phương…”, ông Mại quả quyết.

Mặt khác, Chủ tịch VAFI cùng lưu ý, tiêu dùng chính là một trong các động lực quan trong của tăng trưởng, thuế TTĐB cũng đóng góp quan trọng vào thu NSNN, do đó Chính phủ phải cân nhắc thận trọng khi thay đổi chính sách và phương thức đánh thuế, vừa hạn chế hợp lý nhu cầu một số mặt hàng, vừa tăng thu ngân sách để bảo đảm chi tiêu thường xuyên, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đầu tư phát triển và dự trử quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *