Số liệu thống kê từ Ngân hàng nhà nước chi nhánh Khu vực 14 cho thấy, đến cuối tháng 5/2025, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn Khu vực 14 ước đạt 403.850 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2024, với hơn 1,07 triệu khách hàng hiện còn đang dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 42.700 tỷ đồng, chiếm 10,57% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngành công nghiệp và xây dựng 83.600 tỷ đồng, chiếm 20,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngành thương mại, dịch vụ khoảng 277.550 tỷ đồng, chiếm 68,73% tổng dư nợ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và khách hàng tiếp cận vốn dễ dàng thuận lợi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Khu vực 14 đã tiết giảm chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay và huy động tiếp tục giữ ổn định. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; trung, dài hạn từ 7% – 10%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 6,5% – 10%/năm; trung, dài hạn từ 8,5% – 10,5%/năm. Nhờ nguồn vốn tín dụng có giá hợp lý, khách hàng có điều kiện đầu tư máy móc thiết bị, chuyển đổi số áp dụng vào quy trình sản xuất kinh doanh.
Điểm đáng chú ý, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên tại địa bàn Khu vực 14 đều tăng so với cuối năm 2024. Cụ thể, đến cuối tháng 5/2025, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 175.055 tỷ đồng, tăng 11,45% so với cuối năm 2024; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 71.800 tỷ đồng, tăng 4,2%; cho vay xuất khẩu đạt 33.267 tỷ đồng, tăng gần 18,9%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 1.600 tỷ đồng, tăng gần 114,5%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 172 tỷ đồng, tăng 1,55% so với cuối năm 2024.
Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn còn tập trung thực hiện cho vay các chương trình tín dụng khác, với dư nợ tăng khá. Đơn cử như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản, dư nợ đến cuối tháng 5/2025 ước đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2024; chương trình tín dụng đối với lúa, gạo dư nợ cho vay 35.900 tỷ đồng, tăng 7,19%; dư nợ tín dụng rau quả đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2024. Các ngân hàng đều chú trọng tập trung cho vay các lĩnh vực thế mạnh của khu vực là nông, thủy sản, xuất khẩu lúa gạo… Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Phát huy kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm 2025, các tổ chức tín dụng tiếp tục khơi thông nguồn vốn tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, tín dụng cho các dự án, công trình trọng điểm khả thi; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cơ cấu, tổ chức lại bộ máy, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; rà soát, cắt giảm thủ tục cho vay nhằm đáp ứng kịp thời vốn tín dụng cho các dự án, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng, nhất là tăng trưởng xanh.
Tích cực triển khai Chương trình tín dụng quy mô 100.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; tiếp tục cho vay gói tín dụng ưu đãi và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở, cụ thể: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 đã ban hành văn bản số 808/KV14-TH, ngày 3/6/2025 về việc triển khai cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 cũng đề nghị giám đốc chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn khu vực tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Riêng cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội, cần thực hiện chính sách cho vay ưu đãi hơn.