
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ còn 5,6%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi cuối kỳ. Trước đó, đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đến 36, MSB huy động mức lãi suất là 5,8%/năm.
Biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 26/2 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng giảm khá mạnh khi mức lãi suất cao nhất chỉ còn 5,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Với kỳ hạn 15 và 18 tháng, lãi suất huy động lần lượt là 5,6%/năm và 5,7%/năm. Với kỳ hạn 36 và 60 tháng, lãi suất còn 5,1%/năm và 5,2%/năm. Trước đó, ngân hàng này niêm yết mức lãi suất áp dụng với các kỳ hạn dài từ 15-34 tháng lên đến 6,2-6,5%/năm.
Còn Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) niêm yết lãi suất ở mức 5,5%/năm các kỳ hạn từ 12-36 tháng. Trước đó ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 12-24 tháng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng tiến hành giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,05%/năm xuống còn 5,8%/năm, kỳ hạn 15 tháng từ 6,25%/năm còn 5,9%/năm. Kỳ hạn 18 tháng, lãi suất từ 6,35%/năm xuống 6%/năm, kỳ hạn 24 tháng từ 6,45% xuống 6,05%/năm. Trước đó, BVBank là một trong những ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi trên 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Hiện chỉ còn 2 kỳ hạn tiền gửi 18 và 24 tháng được niêm yết lãi suất trên 6%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm còn 4,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm còn 4,4%/năm, kỳ hạn 4-5 tháng giảm còn 4,5%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn 6-36 tháng được VietBank giữ nguyên. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 5,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Lãi suất huy động cũng có sự thay đổi tại nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối. Ngay trong chiều ngày 25/2, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng tại Vietcombank đã trở về mức 4,7%/năm, giảm 0,1%. Đây cũng là mức lãi suất áp dụng chung cho các kỳ hạn từ 24 đến 60 tháng tại ngân hàng này. Vietcombank mới chỉ nâng lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên 4,8%/năm, tăng 0,1% vào giữa tháng 2 vừa qua sau suốt 1 thời gian dài giữ ổn định lãi suất.
Trước đó, ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 19/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, chiều ngày 25/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tổ chức tín dụng để quán triệt và có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay; đồng thời, ra văn bản số 1328/NHNN-CSTT chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong việc tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục và các biện pháp khác để giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Tại cuộc họp chiều ngày 25/2, nhiều ngân hàng cũng đã cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tuân thủ theo đúng chỉ đạo.