Tham dự buổi Tọa đàm, về phía Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội, Thành viên Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật TP. Hà Nội; Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Nguyễn Xuân San, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Về phía Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai có Luật sư Lê Quang Y, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai và gần 100 luật sư thành viên đại diện cho nhiều tổ chức hành nghề luật sư khác nhau thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phát biểu khai mạc và dẫn đề.
Phát biểu khai mạc và dẫn đề buổi tọa đàm, Luật sư Đào Ngọc Chuyền nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác TTPBGDPL và kỹ năng đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho các luật sư. Đặc biệt là buổi tọa đàm được tổ chức trong thời điểm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai có chuyến công tác tại Thủ đô Hà Nội với rất nhiều các chương trình hoạt động, học tập, giao lưu, hợp tác vô cùng ý nghĩa. Luật sư Đào Ngọc Chuyền khẳng định, trong nhiều năm qua, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã và đang thực hiện rất nhiều các nhiệm vụ chính trị pháp lý được Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố.
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trao đổi kinh nghiệm trong công tác PBGDPL và kỹ năng góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hà giới thiệu khái quát và trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác góp ý xây dựng văn bản pháp luật và kỹ năng truyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong kỹ năng, kinh nghiệm về góp ý xây dựng văn bản pháp luật, theo đó cần nắm vững nội dung văn bản góp ý, kiểm tra tính hợp lý của các quy định trong văn bản pháp luật, xem chúng có khả thi, phù hợp với thực tiễn và có thể áp dụng dễ dàng không; cần sử dụng các quy định của pháp luật hiện hành để làm cơ sở cho các ý kiến đóng góp, điều này giúp nâng cao tính thuyết phục của phản hồi; ý kiến đóng góp cần được trình bày một cách rõ ràng, có cấu trúc hợp lý để người đọc dễ dàng theo dõi và hiểu được, các vấn đề cần được phân tích cụ thể, đi từ tổng thể đến chi tiết; đảm bảo ý kiến phản ánh sự khách quan, không mang yếu tố cá nhân hoặc lợi ích nhóm, các góp ý nên dựa trên sự thật và lập luận chặt chẽ; cần chú trọng xem xét những nhóm đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định trong văn bản pháp luật và đảm bảo rằng ý kiến đóng góp có lợi ích công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Tham gia các cuộc thảo luận công khai, khảo sát ý kiến người dân, hoặc các buổi đối thoại sẽ giúp các góp ý được thể hiện một cách trực tiếp và có tính phản hồi cao; thường xuyên tham gia vào các cuộc góp ý dự thảo văn bản pháp luật để tích lũy kinh nghiệm. Những lần tham gia này không chỉ giúp rèn luyện kỹ năng mà còn giúp bạn hiểu hơn về các quy trình và cách thức đóng góp hiệu quả vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Về kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cần phải chuẩn bị chu đáo nội dung đề cương tuyên truyền. Trước khi tuyên truyền, cần thiết lập kế hoạch chi tiết, xác định đối tượng mục tiêu, nội dung cần tuyên truyền và phương thức thực hiện. Việc xác định đúng đối tượng và cách thức tuyên truyền (qua hội thảo, truyền hình, mạng xã hội, tài liệu in ấn…) sẽ giúp đạt được hiệu quả cao. Trong khi truyền truyền, cần biết cách chuyển tải thông tin pháp lý phức tạp thành những ngôn từ dễ hiểu cho người dân. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, gần gũi và ví dụ thực tế là cách tốt nhất để người dân dễ tiếp nhận.

Luật sư Lê Quang Y, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai chia sẻ tại buổi Tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai trong nhiều năm qua. Trên cơ sở đó, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã đạt được một số thành công trong công tác này. Những kinh nghiệm được chia sẻ của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trong buổi tọa đàm này là hết sức thiết thực và có ý nghĩa rất lớn đối với các luật sư thành viên tham dự và đặc biệt là đối với Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai để phát huy tiềm lực, thế mạnh của giới luật sư trong công tác góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Kết thúc buổi tọa đàm, Luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết, đây là buổi tọa đàm đầu tiên của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trong công tác này với mục đích huy động nguồn lực luật sư, hướng dẫn kỹ năng cho đội ngũ luật sư để tích cực tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, một trong những nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, khẳng định vị thế của luật sư, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Các Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tham dự buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Theo: lsvn.vn