Phóng viên: Việt Nam ngày càng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics, về vị trí Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới, ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển ngành logistic trong thương mại toàn cầu của Việt Nam?
Ông Lục Vĩ Chí: Việt Nam sở hữu vị trí đắc địa trên tuyến đường ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm trung chuyển thương mại quan trọng, kết nối khu vực châu Á – Thái Bình Dương với châu Âu và Bắc Mỹ. Đồng thời, với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, nằm giữa các nền kinh tế lớn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực logistics, Việt Nam có thể được định vị như một trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam trong những năm gần đây đạt khoảng 14-16% mỗi năm. Kết quả này có được cũng nhờ sự thúc đẩy từ chính sách mở rộng các khu công nghiệp của Chính phủ nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thương mại điện tử cũng góp một phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nhu cầu logistics xuyên biên giới. Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric cho thấy người tiêu dùng Việt Nam chi 9,5 tỷ USD mua sắm trên các sàn thương mại điện tử trong 9 tháng đầu năm 2024. Đây là cơ hội phát triển hấp dẫn cho ngành logistics.
Đối với hàng không, nhằm nâng cao năng lực logistics của ngành, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay, mở rộng và nâng cấp các cảng hàng không quốc tế. Sân bay Long Thành, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa trọng yếu, nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực. Nội Bài được mở rộng để phát triển logistics hàng không chuyên biệt, trong khi Tân Sơn Nhất tăng cường khả năng xuất nhập khẩu nhờ mở rộng khu vực vận tải hàng hóa. Những dự án này sẽ góp phần tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy tăng trưởng thương mại quốc tế.
Tại Việt Nam, Emirates SkyCargo là đối tác đáng tin cậy trong việc đẩy nhanh quá trình vận chuyển các mặt hàng công nghệ cao, thời trang và quần áo thể thao do Việt Nam sản xuất đến các thị trường quốc tế thông qua mạng lưới hơn 300 điểm đến tại 80 quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam cũng có một nền nông nghiệp thịnh vượng và Emirates SkyCargo đóng góp một phần đáng kể giúp xuất khẩu sản lượng lớn các mặt hàng hoa quả tươi, rau củ tươi, hoa tươi và cây xanh. Với năng lực vận chuyển hàng hóa và giải pháp lưu trữ, bảo quản tiên tiến, bao gồm hệ thống kiểm soát nhiệt độ hiện đại, kho lạnh chuyên dụng và quy trình xử lý hàng hóa nghiêm ngặt, hãng luôn đảm bảo hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể thấy, với những lợi thế về vị trí địa lý, sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lực sản xuất xuất khẩu, thương mại điện tử và đầu tư vào hạ tầng, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm logistics hàng đầu trong khu vực. Emirates SkyCargo luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp, nhà cung cấp và khách hàng trên toàn cầu.
Phóng viên: Ba mục tiêu phát triển ngành logistics ở Việt Nam được đặt ra nhằm góp phần phục vụ mục tiêu lớn phát triển đất nước: (i) Giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025; (ii) nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%; đồng thời nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%; (iii) nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%. Theo ông để đạt được những mục tiêu này chính phủ và các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?
Ông Lục Vĩ Chí: Để đạt được các mục tiêu chiến lược của ngành logistics Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện giữa các bên liên quan và tập trung vào ba yếu tố then chốt.
Đầu tiên, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến. Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện có 61% doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng công nghệ số trong hoạt động logistics, cho thấy vẫn còn dư địa lớn để mở rộng. Các công nghệ tiên tiến đang định hình tương lai và tại Emirates SkyCargo, chúng tôi cam kết ứng dụng những đổi mới này vào hoạt động vận hành. Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) giúp chúng tôi tối ưu hóa quy trình, từ phân tích dự báo đến theo dõi lô hàng theo thời gian thực, nâng cao hiệu suất và độ chính xác. Trong khi đó, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) mang lại tính minh bạch và bảo mật vượt trội trong chuỗi cung ứng. Đây không chỉ là những công cụ hỗ trợ, mà còn là những yếu tố mang tính đột phá, góp phần định hình tương lai ngành logistics.
Sau đó, để quản lý và vận hành các giải pháp công nghệ cao cần đảm bảo một đội ngũ nhân sự phù hợp. Trên toàn cầu, ngành logistics đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, một phần do nhận thức hạn chế về lộ trình nghề nghiệp, cơ hội đào tạo, phát triển cũng như trang bị các kỹ năng cần thiết cho ngành logistics hiện đại.

Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp logistics nên đầu tư vào đào tạo nội bộ và cân nhắc hợp tác với các tổ chức giáo dục cũng như các hiệp hội quốc tế nhằm nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự. Chẳng hạn, chúng tôi đã hợp tác với AviationNOW – một nhánh của GrowNOW Group và thành viên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (TIACA) – để phát triển và triển khai chương trình đào tạo lãnh đạo cấp cao, giúp trang bị cho các ứng viên những công cụ cần thiết cho hoạt động vận hành trong tương lai. Bên cạnh đó, chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách xây dựng các chương trình đào tạo thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cuối cùng, việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tận dụng mạng lưới và kinh nghiệm của các đơn vị logistics để giảm thiểu chi phí vận chuyển, lưu kho và quản lý đơn hàng. Emirates Skycargo có hệ thống theo dõi và quản lý đơn hàng tiên tiến, giúp tăng tính minh bạch và kiểm soát trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Việc hợp tác này cũng giúp doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh chiến lược logistics theo nhu cầu thị trường, từ đó cải thiện hiệu suất vận hành.
Phóng viên: Từ thực tế hoạt động tại thị trường Việt Nam những năm qua, ông có thể chia sẻ câu chuyện của Emirates SkyCargo khi kết nối hàng hóa từ Việt Nam đến các thị trường quốc tế?
Ông Lục Vĩ Chí: Kể từ khi triển khai dịch vụ vận tải hàng hoá tại Việt Nam, Emirates SkyCargo đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại giữa Việt Nam và hơn 145 điểm đến trên toàn thế giới nằm trong mạng lưới của hãng.
Trong năm 2024, Emirates SkyCargo đã vận chuyển hơn 18,5 nghìn tấn hàng hoá từ Việt Nam. Các sản phẩm chủ lực được xuất khẩu bao gồm hàng hoá tổng hợp như hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử, máy móc và thiết bị. Thông qua Dubai, các sản phẩm hàng hoá từ Việt Nam dễ dàng được phân phối và vận chuyển trong khu vực Trung Đông và châu Phi. Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Trung Đông là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, tăng tới 56,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng, đạt hơn 3.600 tấn. Trong nhiều năm qua, Emirates SkyCargo đã mang các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam như xoài, chôm chôm, chanh leo, thanh long và vải sang Dubai và UAE cũng như các thị trường trọng điểm khác tại châu Âu, mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp địa phương.

Dược phẩm cũng là một nhóm ngành quan trọng đối với thị trường Việt Nam, cả về xuất khẩu và nhập khẩu, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19. Trong giai đoạn này, với năng lực vận chuyển các mặt hàng dược phẩm nhạy cảm với nhiệt độ, Emirates SkyCargo đã vận chuyển thành công lô vaccine AstraZeneca đầu tiên mà Việt Nam được tài trợ, góp phần hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện các hoạt động tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn. Trong năm vừa qua, Emirates SkyCargo đã đóng góp không nhỏ cho nền y tế Việt Nam, hỗ trợ nhập khẩu gần 2.300 tấn hàng hóa.
Phóng viên: Logistic là một trong những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn, vì vậy việc xanh hóa lĩnh vực này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tại Emirates SkyCargo, việc xanh hóa được triển khai ra sao thưa ông?
Ông Lục Vĩ Chí: Emirates SkyCargo cam kết tích hợp các biện pháp bền vững có ý nghĩa vào hoạt động vận tải hàng không của chúng tôi. Ví dụ, khi xếp hàng lên máy bay, việc phân bổ trọng lượng nặng hơn về phía đuôi giúp cải thiện tính khí động học, từ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu. Từ năm 2020, chúng tôi đã làm việc với các Load Master để tối ưu hóa cách xếp hàng hóa và theo dõi dữ liệu một cách chặt chẽ nhằm lập kế hoạch bay hiệu quả hơn.
Một ví dụ khác là chương trình tối ưu hóa nhiên liệu toàn diện của chúng tôi, trong đó liên tục nghiên cứu và triển khai các giải pháp giảm tiêu hao nhiên liệu không cần thiết và khí thải, miễn là điều kiện vận hành cho phép. Một sáng kiến quan trọng trong chương trình này là triển khai “flex tracks” – các tuyến đường bay linh hoạt, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ điều hướng hàng không để lập kế hoạch bay tối ưu nhất. Điều này giúp tận dụng tối đa luồng gió thuận, tránh gió ngược và các điều kiện thời tiết bất lợi.
Năm 2023, chúng tôi đã đạt chứng nhận IEnvA Stage One, khẳng định cam kết lâu dài của Emirates SkyCargo đối với các sáng kiến bảo vệ môi trường có tác động thực tiễn. Chúng tôi tiếp tục theo đuổi các chiến lược bền vững mạnh mẽ nhằm tạo ra thay đổi thực sự trong hoạt động của mình cũng như trong toàn ngành.
Bên cạnh đó, Emirates là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán và khai thác động vật hoang dã trái phép, với mục tiêu bảo vệ vẻ đẹp và đa dạng sinh học của thiên nhiên, truyền cảm hứng cho du lịch hiện tại và các thế hệ tương lai. Emirates SkyCargo có chính sách không khoan nhượng đối với buôn bán động vật hoang dã trái phép và cấm hoàn toàn việc vận chuyển các chiến lợi phẩm săn bắn của nhóm Big-4. Ngoài đội ngũ nhân viên Emirates SkyCargo, chúng tôi cũng mở rộng chương trình đào tạo nhận thức về động vật hoang dã cho nhân viên dịch vụ hành khách, bao gồm Tiếp viên hàng không, Dịch vụ sân bay Emirates và Đội an ninh của Tập đoàn Emirates, nhằm ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã ngay từ đầu.
Emirates SkyCargo cũng là hãng hàng không đầu tiên tham gia sáng kiến Move to -15, nhằm thiết lập lại tiêu chuẩn nhiệt độ trong chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh và giảm tiêu thụ năng lượng. Giả thuyết nghiên cứu cho thấy, điều chỉnh giảm 3 độ C trong nhiệt độ bảo quản có thể mang lại tác động môi trường đáng kể mà vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Là đơn vị dẫn đầu thế giới trong vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng, chúng tôi sẽ tận dụng kinh nghiệm chuyên sâu của mình để ứng dụng thực tiễn sáng kiến mang tính đột phá này trong toàn ngành.
Phóng viên: Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!