
Đây là chia sẻ của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước, diễn ra sáng ngày 27/2.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng luôn xác định doanh nghiệp Nhà nước là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Vì thế năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng. Kết quả cho thấy, năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 15,8%, nhưng riêng tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp Nhà nước tăng khoảng 16%. Tỷ lệ dư nợ của các doanh nghiệp Nhà nước chiếm gần 40% trong tổng dư nợ của cả nước.
“Đây là sự tập trung cao cho những doanh nghiệp quan trọng của Nhà nước”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, năm 2024 và đến thời điểm này, ngành Ngân hàng đã tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, không chỉ có các ngân hàng thương mại, mà ngay cả quan hệ các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt trong vấn đề thủ tục, tín dụng (ví dụ như vấn đề tài sản đảm bảo hầu như không đặt ra đối với doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp Nhà nước vay vốn đầu tư ngắn hạn chỉ bằng tín chấp, vay vốn trung và dài hạn thì sử dụng những tài sản hình thành từ vốn vay – nếu có). Hầu hết 4 ngân hàng Nhà nước đều tập trung cho vay các loại hình doanh nghiệp Nhà nước.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, về lãi suất. Năm 2024, công tác điều hành lãi suất giữ mức ổn định và năm 2025 vẫn tiếp tục ổn định. Các ngân hàng đang cố gắng cắt giảm chi phí hành chính của mình để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, ổn định tỷ giá. Năm 2024, điều hành tỷ giá chỉ dao động trong khoảng 5%. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ giá biến động ở mức nhỏ nhất. Năm 2025, với tiềm lực sẵn có, với dự trữ ngoại hối và điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đảm bảo được tỷ giá ổn định. Điều này sẽ đem lại yên tâm cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn liên quan đến xuất nhập khẩu.
Về thị trường ngoại tệ, ngành Ngân hàng đảm bảo sẽ cân đối tốt thị trường này, kể cả xuất nhập khẩu.
Về tiếp cận tín dụng, các ngân hàng đã mở rộng điều kiện cho vay; đồng thời, chính sách cơ cấu lại nợ vẫn tiếp tục được thực hiện.
“Năm 2025, với tinh thần phấn đấu tăng trưởng 2 con số, yêu cầu mức đặt ra tăng trưởng tín dụng là 16%. Việc đặt mức tín dụng này có thể ảnh hưởng đến lạm phát nhưng chúng tôi sẽ cân đối để tăng trưởng GDP đạt 8% như kế hoạch đã đặt ra”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định.
Phó Thống Thường trực đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, đây là dịp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng cũng là cơ hội chuyển đổi cơ cấu đầu tư tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tức là phần lớn sẽ thuộc lĩnh vực của các doanh nghiệp Nhà nước.
Đối với lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Xây dựng giải quyết tích cực hơn gói 145 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở dành cho những đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội như cho vay mua, cho vay thuê mua, hoặc cho vay thuê.
“Trong gói này, cần tách ra một lượng vốn nhất định để đảm bảo nhu cầu cho những người trẻ dưới 35 tuổi có cơ hội mua nhà hoặc thuê mua”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thêm.